Dịch giả: Thanh Phú.
Dịch từ tác phẩm “The Eatonville Anthology”, tác giả: Zora Neale Hurston.
Bản quyền bản dịch thuộc về dịch giả.
CHUYỆN 1. BÀ THÍM HAY XIN
Bà Tony Roberts là vợ ông Tony Roberts. Bà là người thích xin xỏ. Tiền bạc chồng bà làm ra bà đều giữ cả, tuy không nhiều nhưng cũng có thể coi là ở mức khá, vậy mà, bà lại có cái sở thích là đi hết từ nhà này sang nhà khác để xin xỏ.
Đầu tiên bà đến cửa hàng của ông Clark.
“Ông Clark ơi,” bà gọi lớn bằng một tông giọng the thé, “cho tôi một chút thôi mà, một chút ít thịt để nấu cùng với rau xanh cho mấy đứa nhỏ. Ông cũng biết mà, tụi nó đang ôm cái bụng đói ở nhà! Anh Tony nhà tôi làm đâu có đủ mà nuôi tụi nó!”
Ông Clark biết thừa người đàn bà này chẳng thiếu thốn gì và tủ bếp nhà bà ta thì chứa đầy đồ, đơn giản vì Tony Roberts là tay cung hàng xếp top đầu của cửa tiệm của ông. Nhưng mà cái giọng the thé liên hồi của bà ta khiến ông Clark cảm thấy khó chịu vô cùng, rốt cuộc đành nặng nề nhấc mông đứng dậy. Bà thím hay xin này thấy vậy liền lộ ra nét hớn hở thấy rõ, cứ như là một kẻ đói khát chuẩn bị được ngồi vào bàn ăn.
“Đúng rồi đó ông Clark. Thánh thần trên cao sẽ phù hộ cho người rộng rãi như ông. Cho tôi một miếng cỡ này là được rồi (bà ta ra dấu ý là bằng chiều rộng của bàn tay bà).”
Thế rồi bà chăm chú nhìn theo đường cắt của ông Clark, thét lên the thé khi ông từ chối dịch dao thêm dù chỉ là một tí ti.
Sau cùng, với miếng thịt trên tay, bà rời khỏi cửa hàng, không ngừng than vãn với những người bà gặp trên đường về ông chủ tiệm keo kiệt, cắt cho miếng thịt muối chỉ dày hai ngón tay, trong khi rõ ràng bà đã xin hẳn bằng một bàn tay.
Về phần Clark, ông ghi lại miếng thịt vừa rồi vào sổ nợ ở trang nhà Tony. Rồi ông ngồi lại xuống ghế và tiếp tục đọc.
Với miếng thịt heo muối làm tiền đề, bà Tony đi vòng quanh xóm một lượt cho đến khi tìm đủ những thứ nguyên vật liệu còn lại cho bữa tối. Cử như việc bà đến tiệm nhà Piersons làm ví dụ: “Chị yêu Piersons ơi, cho em xin một ít cải xanh cho bọn nhỏ đi chị! Tụi nó ở nhà đói khát quá, lão Tony làm chẳng đủ ăn gì cả!”
Bà Piersons lấy một mớ cải đưa cho bà Tony. Bà Tony thấy vậy thì liền như trúng phải điện, giật ngược về sau: “Thánh thần thiên địa ơi, chị Piersons, chị định cho bọn nhỏ nhà em một chút xíu đó rau thôi đó hả? Rộng rãi chút đi chị để thánh thần thương, ít ra cũng phải đầy một tay chứ!”
Thế là bà Piersons đành phải bỏ thêm một ít rau nữa vào. Bà thím hay xin sau khi có rau thì lại tiếp tục lân la sang hàng khác. Ngày hôm sau, chuyện cứ thế lặp lại y như cũ.
Subscribe kênh Youtube tại @tacgiathanhphu để theo dõi những cập nhật mới nhất.
CHUYỆN 2. TÌNH YÊU TINH DẦU THÔNG
Anh Jim Buôn Bán lúc nào cũng vui vẻ, đặc biệt là với vợ của mình. Anh nói rằng anh yêu vợ ngay từ cái nhìn đầu tiên. Đó là chuyện của mấy năm trước. Còn bây giờ thì cô ấy đã không còn cái răng nào trong miệng nữa. Dù vậy thì hai vợ chồng vẫn luôn hòa thuận bên nhau.
Vì sao vợ của Jim không còn cái răng nào trong miệng? Vì cô bị bệnh động kinh, nên răng của cô bị tháo hết ra để tránh cô tự cắn phải lưỡi.
Jim kể rằng ngày xưa lúc lần đầu anh ghé thăm cô, anh đã chứng kiến cảnh vợ mình đang trong cơn co giật. Nhưng điều này không làm giảm đi tình yêu anh giành cho cô. Về sau, còn có thêm nhiều lần nữa cô lên cơn co giật trước mặt anh.
Một ngày Chủ nhật, lúc cả hai còn hẹn hò, vợ của Jim lại lên cơn co giật khi anh đang ở đó. Mẹ của cô lấy ra một liều tinh dầu thông, định cho cô dùng để ngăn cơn lại. Không may, bà lại lỡ tay đổ vào mắt con gái, và bằng cách thần kì nào đó cô gái đã được chữa khỏi hoàn toàn. Cô không còn lên cơn co giật thêm lần nào nữa. Cả hai kết hôn, và sống vui vẻ với nhau suốt từ đó đến giờ.
CHUYỆN 3.
Becky Moore có mười một đứa con, đủ màu đủ kích cỡ. Cô chưa từng kết hôn bao giờ, nhưng đó cũng nào phải lỗi của cô. Cô sẽ chẳng bao giờ từ chối nếu có bất kỳ người cha nào của những đứa nhỏ cầu hôn cô, cho nên nếu hiện giờ những đứa con cô không hề có cha thì chắc chắn đó không phải là do cô. Là lỗi của mấy người đàn ông đó.
Mấy bà mẹ trong trấn sợ cái thói sống của Becky Moore sẽ lây lan ra. Nên họ cấm tiệt con cái họ được giao du với đám trẻ nhà bên đó.
CHUYỆN 4. TIPPY
Cả nhà Sykes Jones đều thích chơi trò thảy xúc xắc, loại được làm bằng xương động vật. Trong số họ có một thành viên đặc biệt, cũng cực kì thích mấy món bằng xương, nhưng mà là để gặm. Đó là Tippy, con chó của nhà Jones.
Tippy gầy nhom, ai nhìn thấy đều sẽ phải thốt lên sao mà nó còn vẫn còn sống được hay vậy. Nó hay tranh thủ lúc mấy bà nội trợ lơ đễnh để cửa bếp mở, liền nhanh chóng lẻn vào và trộm hết thịt, ngay cả những miếng đặt trong bếp lò cũng không thoát nạn. Con chó thậm chí còn mút trộm luôn mấy quả trứng.
Vì những tội này, Tippy đã bị kết án tử hàng chục lần, nhưng khi người ta tiến hành thi hành án chỉ chẳng có cách nào là thành công. Họ cho nó ăn đá xanh, chất độc strychnine, cây mã tiền, thậm chí là cả mấy miểng thủy tinh được đập nhỏ. Mấy thứ này không giúp chú chó mập lên, nhưng cũng chẳng giết được nó. Rốt cuộc, người thị trấn Eatonville đành từ bỏ việc trừng phạt con chó, tự nhủ rằng có khi họ đã làm ra cái gì đó tội lỗi trước đây và con chó là tai kiếp mà họ phải gánh.
Vượt qua tất cả, Tippy vẫn sống sót mặc kệ những cố gắng lấy mạng nó. Con chó sẵn lòng kết bạn với bất kỳ ai mở lòng với nó.
CHUYỆN 5. CHUYẾN ĐI XEM TÀU LỬA CỦA ÔNG GIÀ

Ông già Anderson sống ở nông thôn, cách thị trấn Eatonville tầm 11, 12 cây số, ở gần hồ Apopka. Ông trồng ngô và sắn, và đem chúng vào chợ bán hai ba lần mỗi năm. Ông mua sỉ những thứ đồ thực phẩm ông cần, đủ để ông không cần quay lại thị trấn trong vòng mấy tháng.
Để mà nói thì ông già chốn thôn quê này khác với người thành thị chúng ta. Ông chưa từng nhìn thấy tàu lửa bao giờ. Mọi người cười nhạo ông, bởi ngay cả mấy đứa nhỏ ở trấn Eatonville cũng đều đã từng được thấy tàu lửa, khi chúng đứng ở Maitland hoặc Orlando để chờ tàu lửa chạy ngang qua. Cứ mỗi chiều chủ nhật, đám trẻ sẽ kéo nhau đến thị trấn Maitland kế bên, cách Eatonville hơn nửa cây số, để nhìn thấy đoàn tàu Số 35 lao vun vút theo hướng nam tiến về phía Tampa, để mà vẫy tay chào những hành khách trên tàu. Cho nên, chúng tôi hơi xem thường ông già một chút. Ngay cả bọn trẻ con cũng tự thấy mình có đẳng cấp hơn hẳn so với một người thiếu hiểu biết thế tục như ông.
Người lớn xung quanh ai cũng khuyên ông già nên đi xem tàu lửa một lần. Nhưng ông lúc nào cũng nói rằng mình không thích tốn thời gian để ngồi chờ đợi lâu vậy. Hằng ngày chỉ có hai chuyến tàu chạy ngang qua Maitland. Sau cùng, những lời thúc giục và chế nhạo đã có tác dụng với ông già Anderson. Ông quyết định làm một chuyến hành trình vào một buổi sáng sớm nọ.
Con tàu Số 78 sẽ chạy hướng Bắc về phía thị trấn Jacksonville lúc 10 giờ 20. Ông già lái chiếc xe ngựa hạng nhẹ của mình băng qua rừng và đến gần được chỗ đường ray ở Maitland, và ngồi xuống đó chờ đợi. Ông chợt nghĩ ra, lỡ đâu đoàn tàu sẽ khiến ngựa của ông hoảng sợ và kéo luôn cái xe bỏ chạy thì chết toi. Thế là ông tháo ngựa ra, dẫn nó sâu vào rừng thêm một chút và buộc nó lại ở đó.
Xong xuôi, ông quay lại chỗ cái thân xe và leo lên tiếp tục ngồi chờ. Rồi ông lại nhớ ra, mấy người “chuyên gia coi tàu lửa” trong làng từng nói rằng, lúc chạy tàu lửa sẽ nhả ra khói và lửa. Như vậy thì phải kéo cái xe ra xa xa một chút để tránh nguy hiểm, lỡ đâu bị bắt lửa rồi cháy rụi luôn thì sao. Thế là ông leo xuống xe, đứng vào giữa hai trục xe định kéo nó đi cất.
Ngờ đâu, ngay lúc này đoàn tàu Số 78 thình lình xuất hiện và ầm ĩ chạy đến, trên đầu nhả khói xám xịt, vào gần đến Maitland thì không ngừng bóp còi liên hồi gây náo động cả một vùng.
Ông già Anderson hoảng quá, không thèm quay đầu lại nhìn, cứ thế kéo theo cái xe ngựa cắm cổ chạy vào rừng, khiến cái xe ngựa hết va chỗ này lại đập chỗ kia, sau cùng trông xơ xác đến là tội nghiệp. Rốt cuộc ông già vẫn không biết được hình thù tàu lửa trông ra làm sao, nhưng với ông, ông cũng chẳng thiết tha gì nữa.
CHUYỆN 6. COON TAYLOR
Coon Taylor chưa từng thực sự ăn cắp cái gì cả. Ờ thì, nếu mà anh ta thấy một con gà, một quả dưa hấu, hay là dưa lưới gì đó, để lồ lộ ra trước mặt khiến anh ta thèm muốn thì anh đành phải lấy thôi. Người ta nổi điên với anh, nhưng mãi vẫn không cách nào bắt được tận tay.
Coon Taylor lấy trộm rất nhiều dưa hấu ở ruộng nhà ông Joe Clarke, khiến ông không chịu đựng thêm được nữa, một đêm nọ quyết định ngồi trốn lại trong ruộng, tay thủ sẵn cây súng bắn đạn ghém, bên trong nạp đầy muối đá. Ông nhất quyết phải bắt được Coon. Nhưng rồi ông ta mệt quá. Làm thị trưởng, làm bưu trưởng, rồi kiêm luôn làm chủ cửa hàng, quả thực là quá vất vả với một con người siêng năng như ông. Ông Clarke cứ thế ngủ thiếp đi trên khối gỗ ở giữa ruộng dưa, chẳng hề phát giác ra sự có mặt của Coon khi anh ta đến.
Ở phía ngược lại, Coon cũng chẳng nhìn thấy ông Clarke khi anh ta bước vào ruộng. Coon biết rõ có một khối gỗ ở giữa ruộng nên chẳng hề mảy may nghi ngờ gì. Coon đã từng bổ không biết bao nhiêu những quả dưa “Được Florida Yêu Thích” trên khối gỗ này. Cho nên, đêm nay, sau khi chọn được một quả ưng ý, Coon liền đem nó lại chỗ khối gỗ để bổ nó ra.
Lúc Coon vừa thả quả dưa xuống, anh nghe khối gỗ chợt thét lên oai oái. Ngay lập tức, anh nhận ra nó không phải là khối gỗ như anh vẫn tưởng, liền ba chân bốn cẳng chạy vọt đi. Anh nhảy được ra khỏi rào ngay lúc ông Clarke vừa đến. Thế là ông chẳng làm được gì hơn ngoài những tràng đạn ghém muối đá bắn phí phạm vào không trung chốn hoang mạc.
Đến mùa mía, Coon lại thèm thuồng những ngọn mía xanh mềm ngọt nhà ông Clarke, và ông Clarke cũng nhất quyết rằng sẽ không ngủ quên thêm lần nữa. Đêm đó, dưới ánh trăng vằng vặc, sau khi chờ Coon cắt được tầm sáu hay tám thân mía gì đó, ông Clarke thình lình rẽ đám lá mía và bước ra, cầm khẩu súng ghém lăm lăm trong tay, lệnh cho Coon ngồi xuống tại chỗ và nhai cho bằng hết số mía mà anh ta vừa cắt.
Ngày hôm sau, ông bắt Coon cuốn xéo khỏi thị trấn trong vòng ba tháng.
CHUYỆN 7. CHUYỆN GIẢ TƯỞNG Ở THỊ TRẤN
Joe Lindsay được Lum Boger khẳng định là tay sản xuất nhiều câu chuyện xạo nhất ở trấn Eatonville. Trong khi đó, Brazzle, người từng sỡ hữu con la gầy còm và xấu tính nhất, lại phản bác dõng dạc rằng ông mới là công xưởng chuyện xạo hàng đầu cả nước, vợ ông cũng đồng tình rằng ông là tay nói láo số một thế giới.
Dẫn chứng A – Brazzle tuyến bố rằng lúc ông còn ở Orlando, một ngày nọ ông chứng kiến cảnh một ông bác sĩ cắt xẻ và mở toang cơ thể một người phụ nữ, móc hết mấy thứ đồ nội tạng bên trong của cô ta ra – gan, phổi, rồi cả tim. Ông bác sĩ sau đó rửa sạch sẽ cái cơ thể trống rỗng của cô gái, lấy khăn lau cho khô, rồi đặt các thứ nội tạng kia vào lại, mát tay đến mức cô ta có thể tự mình đứng dậy và đi làm chỉ vài tuần sau đó.
CHUYỆN 8.
Sewell sống một thân một mình. Ông ta hay di chuyển đến chỗ này chỗ kia, nhiều đến mức ‘Lige Mosely còn đùa rằng đàn gà nhà Sewell quen với việc chuyển chỗ đến nỗi chỉ cần thấy ông ta xuất hiện ở sân sau thì đàn gà sẽ tự động nằm xuống và bắt chéo chân lại, sẵn sàng để bị trói gô.
Sewell bị hói đầu. Ông nói rằng chẳng ngại gì chuyện này, vì ông muốn có ít ngăn cách nhất giữa ông và Chúa.
CHUYỆN 9.
Bà Clarke là vợ ông Joe Clarke. Bà đang ở độ tuổi trung niên, dáng người trông mềm tròn, ngực và bụng lúc nào cũng tụ tập với nhau.
Bà thi thoảng ra đứng trông cửa hàng, bật khóc mỗi khi bị chồng la vì bà vừa gây ra một lỗi gì đó. Bà gọi chồng mình là “Jody.” Người ta nói rằng hồi trẻ ông vẫn thường hay đánh bà ngay tại cửa hàng, nhưng bây giờ thì không vậy nữa. Ông đã kiên nhẫn hơn nhiều. Ông chờ được tới lúc về tới nhà.
Bà hay la lớn ở nhà thờ vào mỗi Chủ nhật. Bà nhắm nghiền mắt nhưng vẫn có thể bắt tay không thiếu một ai ở đó, ngoại trừ tay chồng bà ra, chẳng hiểu sao lúc nào bà cũng bắt trượt.
CHUYỆN 10.
Bà McDuffy đi nhà thờ vào mỗi Chủ nhật và hay la lớn về những “quyết tâm” của bà. Chồng bà thì luôn ngồi ở hàng ghế sau và đập bà ngay khi về đến nhà. Ông nói rằng la hét để làm gì, trong khi bà mới là con quỷ bự nhất. Bà làm vậy chẳng qua là để làm nhục ông.
Elijah Mosely hỏi vì sao bà không ngừng việc la lớn lại khi đây là thứ khiến bà bị đánh. Bà nói rằng bà không thể “kìm nén linh hồn” của mình được. Rồi Elijah bảo ông McDuffy đừng đánh bà nhà nữa, vì dù ông có làm gì thì bà vẫn sẽ hò hét như vậy mà. Ông trả lời rằng bà ta làm vậy chẳng qua là để chọc tức ông, nắm đấm của ông chẳng qua cũng cứng như cái đầu của bà thôi. Bà còn la được thì ông còn đấm được. Thế là người trong trấn không đả động gì đến chuyện này nữa.
CHUYỆN 11. ĐIỆU NHẢY XOAY VÒNG DOUBLE-SHUFFLE
Vào những ngày tươi đẹp trước Thế Chiến Thứ Nhất, cuộc sống ở Eatonville thật là đơn giản. Không ai nhảy điệu chân cáo (fox-trot) như bây giờ. Khi có ngày đặc biệt nào đó, khi mà mọi người đều tắm rửa sạch sẽ và ăn vận đẹp đẽ, người ta sẽ nhảy điệu breakdown. Đám trẻ hơi liều một tí thì sẽ nhảy điệu hai bước và điệu waltz, trong khi người già và người đi nhà thờ thì nhẹ nhàng hơn với điệu sánh bước (grand march). Ở vùng nông thôn những chuyện nhảy nhót đều bị coi là xấu xa. Nhưng anh sẽ không bị cho là nhảy nhót nếu hai chân anh không bắt chéo nhau. Với điệu sánh bước thì chân người nhảy sẽ không bị bắt chéo.
Vào những ngày lễ lạc lớn, cây đàn organ từ nhà thờ Methodist sẽ được chuyển lên sảnh chính, và được ông Lizziemore, một người mù, làm chủ trì. Ở buổi tụ họp, ông sẽ là người chơi guitar, cùng với những người tình nguyện viên khác biết chơi accordion hay harmonica.
Với người da trắng thì điệu sánh bước qua ư là nhẹ nhàng, chẳng khác gì thứ được chính tay ông Volstead, Bộ Trưởng Bộ Cấm Đoán, cấp phép. Nhưng ở Eatonville thì khác, nó là điệu được khá nhiều người ưa thích. Ai cũng hạnh phúc, ánh mắt rạng rỡ, hàm răng tỏa nắng. Họ kéo lê chân, rồi đếm nhịp ‘đập, đập!’ Chẳng cần đến nhạc cụ làm gì, cứ thế xoay và xoay. Rồi lặp lại lần nữa, parse-me-la! đập! đập! Bước! Bước! Bờ biển! Đập! Đập! Mông Tiddy! Ông Clarke là người dẫn đầu cùng với bà Mosely.
Với đám trẻ thì những thứ này là chán quá thể. Thế là họ bắt đầu nhảy điệu xoay vòng double shuffling. Rồi thì điệu gõ chân và cánh gà. Ông Lizziemore gảy gần như muốn vỡ cây guitar. Accordion cũng bị biến dạng. Mọi người lùi về sau, dựa hết vào tường, vỗ tay cho một người hát solo đang trình diễn những bài hát của điệu xoay vòng cũ kỹ.
“Tôi và em yêu, còn hẳn hai ngày
Hai ngày để nhảy điệu gõ chân.”
Những cơ thể đẫm mồ hôi, những nụ cười rạng rỡ, những nhịp chân dữ dội. Các vị phó tế cũng vỗ tay nhiệt tình như bất kỳ ai.
“Người thích cải bắp, người thích cải xoong
Anh thích cô gái, với cặp chân thon.
Thiên thần cao lớn, giáng trần xuống đây
Áo choàng dài rộng, trên đầu sao vây.
Anh không lấy cô da đen
Sợ nhìn cô chải tóc
Anh không lấy cô da vàng
Cô sống quá dài lâu
Anh không lấy mục sư
Vì giáo điều đủ chuyện
Mỗi lần ông ghé ngang
Đàn gà bay tứ tán”
Sau khi điệu gõ chân kết thúc, các chàng trai sẽ nhường sàn cho các cô gái, để họ nhảy điệu parse-me-la và len lén nhìn xem có ai đang đánh giá mình không. Những điệu nhảy lại tiếp tục. Và rồi ông Clarke yêu cầu mọi người chú ý và thông báo rằng: “Đồ ăn đã được dọn lên! Các quý ông hãy đưa các quý bà của mình vào bàn nào!”
Lúc này, các quý ông sẽ đưa cánh tay của mình lên rồi hỏi: “Em có thích cánh gà không? Nếu thích thì cầm lấy một cánh này!” Các quý bà sẽ cầm lấy cái cánh của các ông và được đưa về bàn để ăn uống. Tất nhiên, những món đồ ăn là do mọi người cùng đem đến, họ mang theo những giỏ đầy gà rán được cắt khúc, rồi thì các loại bánh, bánh ngọt, bánh mình khoai tây, gà purlo (gà xé). Hội trường sẽ được chia thành nhiều nhóm nhỏ, vui vẻ quây quanh những giỏ đồ ăn cho đến giờ nhảy kế tiếp.
Nhưng rồi đám con trai và con gái bị tản mác sau chiến tranh. Và giờ thì họ nhảy điệu chân cáo bên cây đàn piano mới tinh. Họ vẫn nhảy điệu waltz và điệu hai bước, nhưng không còn đưa cằm lên vai bạn nhảy và chìa ra sau nữa. Một đêm nọ, để làm vui lòng đám người già, họ cũng nhảy điệu sánh bước, nhưng chân của họ thì lại nhấc lên. Chán.
CHUYỆN 12. ĐẦU ĐÓNG ĐINH
Daisy Taylor là nữ thần của thị trấn. Không phải vì cô đẹp xuất sắc. Đơn giản là vì ở cái thị trấn bé nhỏ này thì thì đào đâu ra tiên cá. Là dòng đời xô đẩy cô vào cái thế trở thành nữ thần.
Cô trông có phần u ám, với những lọn tóc lòa xòa phủ trước mặt. Những lọn tóc này được giữ lại bằng những cây đinh ghim, không rõ là do cô thiếu kẹp tóc hay vì một dụng ý nghệ thuật nào đấy. Món đồ cài này chiếu lấp lánh trên tóc Daisy khi cô ăn vận xinh đẹp vào mỗi buổi chiều và ghé tiệm nhà ông Clarke để hỏi xem có ai gửi thư cho cô không.
Thực ra thì phải họa hoằng lắm mới có người viết thư cho Daisy, cô biết điều này, nhưng cô cũng biết rằng đám con trai trong làng vẫn thường tụ tập ở đây vào năm giờ chiều mỗi ngày, và thường thì một trong số họ sẽ bị thôi thúc phải mua nước soda hay đậu phộng cho cô.
Daisy hay qua lại với người đã có vợ. Hiện tại, chỉ có duy nhất hai người đàn ông độc thân trong thị trấn. Lum Boger, người vừa đính hôn với một cô giáo viên trợ giảng, và Hiram Lester, người đang đi học ở Tuskegee và không đời nào để mắt tới một cô gái như Daisy. Ngoài những thứ vừa kể, Daisy còn bị chân vòng kiềng và tấm váy lót bên trong luôn bị để lộ ra ngoài. Có lẽ vì vậy mà cô bị đánh giá. Cho nên, còn có chuyện gì khác để làm ngoài việc tán tỉnh qua lại với mấy người đã có vợ chứ!
Chuyện này kéo dài đã rất lâu. Mấy bà vợ phàn này về cô ta, thậm chí còn đe dọa sẽ đuổi cô khỏi chỗ ở.
Trong số đó, chuyện ngoại tình với ông Crooms là kéo dài và đáng chú ý nhất. Nghe đâu ông ta còn mua hẳn cho cô một đôi giày mới.
Bà Laura Crooms là một người phụ nữ bé nhỏ, mỗi khi gặp phải vấn đề gì thì chỉ biết khóc, khẩn cầu Chúa và trông hết vào mệnh trời.
Chuyện ngoại tình này bị lộ ra vào một buổi tối nọ trong mùa thu hoạch cam. Lúc bấy giờ ông Crooms đang ở thị trấn Oneido để hái cam. Rất nhiều người làm nghề thu hoạch theo thời vụ như ông vẫn thường di chuyển từ thị trấn này sang thị trấn khác mỗi khi chuyển mùa.
Tối hôm đó người ở trấn Eatonville đều tụ tập với nhau ở chỗ cái cửa hàng kiêm bưu điện, theo thông lệ vào mỗi tối thứ Bảy. Ai ai cũng đều đã tắm rửa sạch sẽ, với tiền lương rủng rỉnh trong túi, và đêm nay họ đến đây là để vui vẻ. Những người đàn ông sẽ kể chuyện và mời phụ nữ uống soda, ăn đậu phộng và kẹo bạc hà.
Daisy cố gắng gạ gẫm ít đồ ăn nhẹ, nhưng đêm nay mọi chuyện có vẻ không thuận lợi lắm với cô. Cái hiên chỗ cô ngồi đêm nay vắng teo.
“Anh không đãi thì thôi, tôi cũng chẳng cần. Đi mà giữ lấy đồng xu bẩn thỉu ấy!” cô ném câu nói vào mặt Walter Thomas, “Anh yêu Crooms của tôi sẽ mua cho tôi bất cứ thứ gì mà tôi muốn!”
“Cô nên ngậm miệng lại đi, đừng có nói về Albert Crooms nữa. Vợ ông ta sắp đến rồi đấy!”
Daisy đứng chống nạnh: “Ai cơ? Tôi chẳng thèm quan tâm Laura Crooms nghĩ gì. Bà ta không giữ được chồng thì cũng đừng tới đây mà khóc lóc trước mặt tôi!”
Cô ta nói xong thì đứng đó làm ra cặp mắt trố tròn, trong khi bà Crooms thì vừa đến trước hiên tiệm. Daisy cười to, rồi nhắc cái tên Albert Crooms vài lần. Khi thấy túi thư từ Mailand được mang đến, cô nói lớn: “Có nên theo vào trong tiệm để xem có lá thư nào được gửi từ Oneido về không ta?”
Càng làm ra những trò khiến bà Crooms bực mình, Daisy càng cảm thấy thích thú. Cô liên tục chạy ra chạy vào cửa hàng, tới mức có lúc còn không thể đứng vững. Một số người có mặt ở cửa hàng nói với bà Crooms rằng nên làm một cái gì đó để ngăn Daisy lại, nhưng bà chỉ nhã nhặn nói rằng cứ để mọi việc vào tay Chúa. Nhưng mà Walter Thomas cứ liên tục thúc giục, rốt cuộc khiến bà Crooms trở nên cứng rắn và quyết định sẽ giải quyết bằng một trận đánh nhau.
Lúc bà Crooms đưa ra quyết định này thì Daisy đang ở bên trong tiệm, nên cô chẳng hề biết gì về những thứ sắp xảy ra. Cô chạy từ trong ra, trên tay cầm theo một lá thư và hớn hở hét lớn: “Chuyến này mà Oneido thua thì tôi buồn chết mất!”
Có một cái hộp đựng cán rìu được trưng bày ở trên hiên, dựa vào cánh cửa. Khi Daisy vừa đặt một chân lên hiên, bà Crooms liền đập mạnh cái cán rìu nặng trĩu lên đầu cô. Daisy lảo đảo, ngã từ hiên xuống đất. Bà Laura sợ bị phản công, liền giương rìu đập thêm lần nữa và Daisy ngã xuống cống của thị trấn. Dưới đó chẳng có bao nhiêu nước nên chẳng thể gây nguy hiểm gì cho Daisy, ngoại trừ việc khiến người ngợm của cô ta bị dơ hầy.
Mỗi lầy Daisy cố đứng dậy, cô lại thấy cái cán rìu từ trên giáng xuống. Laura đang chiến đấu trong sợ hãi. Khi thấy Daisy đã hoàn toàn bại trận, bà liền rút lên hiên của cửa hàng, để kẻ thù nằm lại dưới cống. Những người đàn ông ở đó không một ai đến giúp Daisy, ngay cả việc đơn giản là kéo cô ta lên.
Ngoại trừ Elijah Moseley, người lúc đó đang ở trên đường lúc cuộc cãi vã bắt đầu, và đến nơi lúc người thắng cuộc vừa rút lui. Anh ta chạy đến, kéo Daisy ra khỏi bùn, rồi sờ đầu cô.
“Cô ta bị thương nặng không? ” Joe Clarke đứng ở cửa hỏi.
“Tôi có biết đâu,” Elijah trả lời, “Tôi chỉ cố xem thử là liệu Laura có may mắn đập trúng một trong những cái đinh nào đó cài trên tóc Daisy và đóng nó vào đầu cô ta không!”
CHUYỆN 13. CAL’LINE
Chị Cal’line Potts là một người phụ nữ trầm lặng. Ngay cả khi cười chị cũng cười thầm bên trong, và điều này khiến người trong trấn bàn tán và cười cợt. Mọi người đều thống nhất rằng Cal’line là kiểu người muốn làm gì thì sẽ làm cho bằng được, và có vẻ như chị ta đang có một số chuyện muốn làm.
Mitchell Potts, chồng của Cal’line, có yếu điểm là phụ nữ. Nhưng không ai trong trấn cho rằng Cal’line là người ghen tuông. Phải, chị ta có làm ra một số chuyện với những người phụ nữ kia, nhưng dường như mục đích chính của chị chỉ là được tận hưởng những tình huống mới lạ do chính bản thân làm ra.
Một lần, ông Mitchell có dang díu với Delphine, người mà trong thị trấn vẫn hay gọi là cô Pheeny. Cô ta sống ở ngoại ô, tại một bìa rừng thông. Người trong trấn nhấm nháy và bàn tán với nhau. Nhưng làm sao mà giữ kín được những bí mật kiểu thế này chứ. Cal’line đến chỗ làm của chị với đôi môi mỏng thâm đen nhíu chặt lại hơn bao giờ hết, và cặp mắt sáng đen của chị thì không có một chút biến đổi.
“Chắc chắn con quỷ Cal’line đã có sẵn kế hoạch gì đó rồi!” những người hóng chuyện trong trấn trao đổi với nhau.
“Nhưng mà Delphine cũng không phải dạng vừa. Chắc Cal’line không dám điên đâu!” bọn họ lại bàn tán, sau khi một tuần đã trôi qua mà không thấy có sự bất thường. Người ta thậm chí còn thấy cô Pheeny này làm những điệu bộ ve vãn với tấm váy lót của mình lúc cô ta chạy lướt qua Cal’line ở nhà thờ vào ngày Chủ nhật.
Mitch Potts có nói thêm rằng, ông đã quá mệt mỏi với sự ngu ngốc của Cal’line. Ông đặt đâu thì chị phải ngồi ở đó. Người mạnh mẽ như ông không thể nào chịu cảnh bị vợ quản được. Đủ lắm rồi. Rồi sau đó là một tràn chửi thề rực lửa, đủ sức biến ông ta thành tay chửi thề bá cháy nhất quận.
Càng ngóng theo câu chuyện này lâu, người trong thị trấn dần chuyển sự quan tâm từ cô vợ sang ông chồng.
Một ngày thứ Bảy, Mitch rời chỗ làm lúc hai giờ chiều và đi về phía thị trấn Maitland. Ông ta quay trở về nhà với một cái hộp hình chữ nhật trên tay, cứ thế đi thẳng ra sau chuồng, nhét nó vào một góc, tuy động tác rất nhanh gọn nhưng chẳng thể nào qua được mắt vợ ông. Chị ta đã thấy chiếc hộp, khá chắc là một hộp giày.
Ông Mitch vào nhà, đun một ấm nước rồi đi tắm. Cal’line thì đứng chân trần bên cạnh cái bàn và bắt đầu ủi đồ. Ông tắm xong thì thay quần áo. Lúc đó đã là năm giờ chiều, nhưng trời vẫn còn rất sáng. Ông đi vòng vòng ở bên ngoài. Chị thì tiếp tục ủi đồ trong nhà. Ngay khi mặt trời vừa chuyển đỏ, ông liền đi ra chuồng, lấy cái hộp rồi nhanh chóng bước ra đường, đi ngang qua cửa hàng và tiến sâu vào rừng thông.
Ngay khi chồng vừa rời đi, Cal’line liền mang giày vào mà không cần đeo vớ, đội cái nón phớt cũ của ông, vắt cái rìu lên vai rồi bám theo sau ông.
Khi đi ngang qua cửa hàng, ông được mấy người ngồi trước hiên vẫy tay chào. Ông ngượng ngùng cười chào lại rồi đi thẳng. Chỉ hai phút sau họ lại thấy vợ ông ta đi ngay phía sau, hoàn toàn im lặng, không một cảm xúc. Tình cảnh này khiến bọn họ cười khúc khích với nhau, và cá cược liệu chuyện gì sẽ xảy ra sau đó.
Một tiếng đồng hồ trôi qua. Trời đã tối hẳn. Trong cửa hàng, ông Clarke đã thắp lên cây đèn dầu từ bao giờ.
CHUYỆN 14.
Rất lâu về trước, khi chưa có những ánh sao rơi, lúc bấy giờ các loài vật cũng biết nói chuyện như con người. Vào thời đó chó và thỏ là bạn thân, dù rằng cả hai đang theo đuổi chung một cô gái, chính là nàng Nancy Coon. Cô có nụ cười ngọt ngào, có những sọc vằn xinh đẹp, và cái đuôi xù lông trong cực kì nổi bật.
Để giành được cô nàng, cả hai đã cố gắng bất kể ngày đêm, cố kiếm về những thứ ngon lành ví dụ như là những quả hồng chín mọng hay những thứ tương tự. Nhưng mà cô chẳng ưng ý ai bất kỳ ai trong số họ.
Cuối cùng, một buổi tối nọ, ngài Chó quyết định hỏi thẳng một câu: “Nàng Coon, nàng cho ta biết nàng thích thứ nào hơn, một con chim chiền chiện tự do tung bay, hay một con bồ câu đứng yên hạnh phúc?”
Đây là một lời cầu hôn mà rất nhiều người biết. Ý của ngài Chó muốn hỏi rằng, liệu nàng Coon còn muốn tự do hay sẽ cùng mình xây dựng tổ ấm.
Nàng Nancy đỏ mặt và cười khúc khích, cố giấu gương mặt sau chiếc đuôi lù xù. Cô ngại ngùng trả lời: “Tôi thích giọng hát ngọt ngào của anh, nhưng mà tôi thật sự chưa quyết định được.”
Nàng và ngài Chó ngồi nói chuyện thêm một lúc, cho đến khi ngài Thỏ với cái đuôi lấp lánh từ xa nhảy tới. Ngài Thỏ cũng tương tự thẳng thắn ngỏ lời cầu hôn với nàng Coon.
“Nàng Coon ơi,” Thỏ nói, “Nàng nghĩ sao về một người có thể ngồi trên lưng một con cá trê và dẫn lối một con cá mương?”
Đây lại cũng là một câu cầu hôn mà ai cũng biết. Ý của ngài Thỏ muốn nói rằng mình chính là một người có thể thuần phục được những thứ hoang dã như là con cá trê hay quẫy mình, nhưng đồng thời cũng đủ tinh tế để để ý đến những thứ nhỏ nhặt như con cá mương bé nhỏ.
“Anh là người rất tốt bụng, Thỏ ạ, và anh nhảy cũng rất cừ, nhưng anh thì hát không hay bằng anh Chó. Xin hai anh tuần sau hãy quay lại để tôi còn có thời gian suy nghĩ.”
Cả hai nghe vậy thì đành khoác tay nhau rời đi. Thỏ nói với Chó: “Thôi, tôi chẳng quay lại chỗ cô ấy nữa đâu. Chắc chắn là cô ấy sẽ từ chối tôi mà thôi. Cô ấy thích hát, trong khi tôi chỉ có thể kêu chút chít.”
“Thôi, đừng có nói vậy mà bạn,” Chó nói, trong lòng thì mừng thầm vì Thỏ không biết hát.
“Không sao đâu, anh bạn Chó. Nói thật, tôi mà có được giọng hát như anh, tôi biết một cách để nó trở nên ngọt ngào hơn nữa!”
“Làm sao vậy? Chỉ tôi với?” Chó nghe vậy liền nhảy cẫng lên.
“Nếu anh muốn tôi sẽ sửa nó cho anh, giống như tôi từng làm cho chị Chiền Chiện và chị Chim Nhại!” Thỏ trả lời.
“Khi nào? Ở Đâu?” Chó liên tục nhảy chồm chồm, thích thú nghĩ rằng, nếu giọng mình trở nên hay hơn một chút thì chắc chắn nàng Coon sẽ chịu mình.
“Vậy thì ngày mai hãy gặp nhau ở bụi việt quốc,” Thỏ trả lời, rồi cả hai chia tay nhau về nhà ngủ.
Ngày hôm sau Chó đến chỗ hẹn đúng giờ. Một lúc sau thì Thỏ lóc cóc nhảy đến.
“Chào buổi sáng, anh bạn,” Thỏ chút chít trả lời, “Sẵn sàng để có một chất giọng ngọt ngào chưa?”
“Sẵn sàng, sẵn sàng, cực kì sẵn sàng rồi anh bạn Thỏ ơi. Nhanh lên nào. Tôi muốn hát một bài tán tỉnh cho nàng Nancy Coon vào tối nay.”
“Được rồi, vậy thì hãy há miệng và thè lưỡi ra,” Thỏ nói.
Ngay lúc Chó vừa thè lưỡi ra, Thỏ liền nhanh tay lấy một con dao và rạch một đường lên lưỡi Chó, rồi lập tức nhảy đi mất hút.
Từ đó về sau, loài chó luôn luôn phát điên mỗi khi gặp bọn thỏ.
Cho những ai không tin, thì hãy nhìn vào lưỡi một con chó bất kỳ đi mà xem, để thấy được đường rạch ở chính giữa lưỡi chó do chú thỏ để lại.
HẾT
Hoàn thành: ngày 7 tháng 12, năm 2024
Bản quyền thuộc về dịch giả. Cấm sao chép và mua bán dưới mọi hình thức. Mọi nhu cầu về sử dụng bản dịch xin liên hệ qua email: saobangchannel@outlook.com
Đọc những bài viết khác: https://saobangchannel.com
Sao Băng Channel, website đọc truyện, đọc truyện, truyện ngắn. Những câu chuyện tin tức thời sự được trình bày bằng hình thức kể chuyện.